Năm 2023 quả thật là một trong những năm khó khăn đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,05%, thấp hơn kế hoạch. Nhìn cả giai đoạn 10 năm (2014-2023) thì tăng trưởng năm nay cũng chỉ cao hơn 2020 và 2021 – là hai năm cao điểm của đại dịch COVID-19. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê. Các doanh nghiệp trong nước đối mặt với rất nhiều thách thức khi nền kinh tế trong nước và toàn cầu chưa phục hồi sau đại dịch, lạm phát tại nhiều nền kinh tế tăng cao, xung đột vũ trang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, rủi ro địa chính trị gia tăng khó lường. Tôi có tiếp xúc với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong nước và đến nay họ vẫn rất hoang mang khi cầu của thị trường trong nước và thế giới trong một số lĩnh vực “gần như biến mất”.
Tuy nhiên, tôi cho rằng khó khăn, thách thức chỉ là ngắn hạn. Chúng ta đã thấy một số dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế toàn cầu từ những tháng cuối năm 2023 khi tốc độ tăng lãi suất và lạm phát của các nền kinh tế lớn đã hạ nhiệt. Đơn cử tại Mỹ, thị trường việc làm cải thiện ở hai tháng cuối năm, đà tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm, tiêu dùng tăng trở lại. Đây là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 12/2023, cho biết họ sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, và dự định sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Việc giảm như thế nào, với tốc độ bao nhiêu sẽ cần phải chờ những tín hiệu tiếp theo của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Kinh tế trong nước cũng có nhiều điểm sáng về kiểm soát lạm phát và thu hút FDI. Đây là năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến. Vốn FDI thực hiện ước tính đạt 23,18 tỷ USD năm 2023, tăng 3,5% so với năm trước, theo Tổng cục Thống kê.
Đặc biệt, chúng ta còn có những yếu tố thuận lợi hơn, như việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản vừa qua đã đưa Việt Nam thành Đối tác chiến lược toàn diện của 4/5 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Việc nâng cấp quan hệ này hứa hẹn mở ra những cơ hội và thị trường mới.
Đội ngũ tư vấn M&A của chúng tôi thời gian gần đây cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đang tăng lên.
Nhìn về dài hạn, chúng ta có nhiều lợi thế và cơ hội. Thứ nhất là về thị trường. Thị trường quốc tế thì như tôi đã đề cập, Việt Nam thuận lợi hơn nhờ việc nâng cấp và tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác hiệu quả với các đối tác lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU. Bên cạnh đó, Việt Nam còn ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương như EVFTA, CPTPP, RCEP và song phương và với hầu hết các đối tác có thị trường sôi động nhất.
Ở trong nước, chúng ta có một thị trường lớn với dân số 100,3 triệu người và có tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh. Theo phân tích của EY từ số liệu của IMF, HSBC, Việt Nam có thể trở thành nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Cũng năm đó, Việt Nam sẽ có khoảng 48 triệu người có thu nhập trên 20 USD/ngày, nhiều hơn số người có mức thu nhập tương tự của Thái Lan, Philippines và Malaysia.
Thứ hai là chất lượng nguồn lực nhân sự. Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, lao động chăm chỉ, sáng tạo và đặc biệt là ham học hỏi. Như mọi người đã biết, mức độ đầu tư vào giáo dục của toàn xã hội là rất lớn. Trong một vài năm học gần đây, chúng ta luôn có xấp xỉ 200.000 du học sinh học tập và nghiên cứu tại các nước phát triển. Đơn cử như thị trường Hoa Kỳ, số liệu từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho thấy Việt Nam nằm trong số 5 nước có đông sinh viên quốc tế nhất theo học bậc đại học và sau đại học tại Hoa Kỳ trong năm học 2022-2023.
Tất nhiên cũng có những thiếu hụt về lao động cấp cao, kỹ thuật cao, nhưng tôi thấy xu hướng hội nhập và bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế của lực lượng lao động ngày càng được cải thiện. Thứ ba là phát triển bền vững và công nghệ. Tôi muốn đề cập tới các xu hướng mới trong hai lĩnh vực này. Đặc biệt, công nghệ mới nổi là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đi tắt, đón đầu, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp quốc tế đi trước, bởi các xu hướng này đang đảo lộn những trật tự sẵn có và thiết lập các trật tự mới.
Nếu nhìn ngắn hạn thì việc gọi vốn quốc tế tại thời điểm này có vẻ đi ngược quy luật kinh tế. Nhưng với lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn, việc tham gia thị trường tài chính quốc tế là một lựa chọn hợp lý vì thị trường này ổn định hơn với chi phí vốn hợp lý hơn trong dài hạn.
Năm 2009, chúng tôi hỗ trợ một doanh nghiệp trong nước lần đầu tiếp cận thành công thị trường trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Khoản huy động chỉ 100 triệu USD, không lớn, nhưng đội ngũ nhân sự hai bên thực sự đã phải rất nỗ lực mới đáp ứng được các yêu cầu niêm yết trên thị trường Singapore.
Tôi có hỏi vị lãnh đạo doanh nghiệp khách hàng là khoản tiền nhỏ mà lại phải đáp ứng yêu cầu thủ tục gian khổ như vậy, trong khi huy động trong nước rất dễ, tại sao vẫn quyết làm? Vị lãnh đạo đó nói rằng cái họ cần không chỉ là tiền, mà còn là một thử thách, để đội ngũ nhân sự biết và trải nghiệm thế nào là chuẩn mực quốc tế, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, và để cải tiến và nâng tầm hệ thống quản trị doanh nghiệp.
Sau thương vụ đầu tiên đó thì quy mô những lần gọi vốn sau của doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều, lên tới hàng tỉ USD. Đội ngũ nhân sự của họ đã được làm quen, cọ xát với các tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng được mối quan hệ với đội ngũ các nhà tư vấn giao dịch cũng như các ngân hàng đầu tư, các nhà đầu tư, hãng luật. Quan trọng hơn là doanh nghiệp đã xây dựng được lịch sử tín dụng tốt trên thị trường. Điều này tạo điều kiện cho việc huy động vốn của doanh nghiệp với chi phí ổn định và hợp lý hơn.
Chúng ta nói rất nhiều về việc chinh phục thị trường quốc tế, nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự bắt đầu làm và làm được? Nếu muốn hội nhập thì phải chơi theo luật chơi toàn cầu. Lợi ích trước mắt là đảm bảo cho doanh nghiệp nguồn vốn dài hạn cho tương lai. Và quan trọng hơn là trải nghiệm đó buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi, phải nâng cấp mình lên theo những tiêu chuẩn chặt chẽ và vô cùng khắc nghiệt. Phải bắt đầu tập dượt từ việc nhỏ, thì khi cuộc chơi lớn hơn đến, doanh nghiệp mới sẵn sàng được.
Tất nhiên mỗi doanh nghiệp có những thách thức riêng, thành công hay thất bại cũng còn tùy quan điểm và nhiều khi mang tính thời điểm, nhưng qua tiếp xúc với doanh nghiệp ở nhiều quy mô và loại hình từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, các tập đoàn tư nhân lớn, tới các doanh nghiệp startup, tôi thấy vẫn có những điểm chung.
Những doanh nghiệp đứng vững và phát triển chú trọng tới các vấn đề nền tảng, đó là quản trị tài chính, quản trị rủi ro một cách hiệu quả, đó là mô hình kinh doanh vững chắc và đủ linh hoạt, đó là bộ máy lãnh đạo có khả năng ra quyết định kịp thời và chính xác, đó là đội ngũ nhân sự chất lượng, đó là hệ thống CNTT hiệu quả. Những điều này giúp họ vững vàng hơn trước những cú sốc và nhanh nhạy hơn khi phải thay đổi, thích ứng với thời thế. Cũng như bạn xây một căn nhà, muốn xây to hơn, cao hơn thì cái móng phải chắc.
Lý do chính dẫn đến việc doanh nghiệp rời khỏi thị trường, theo quan sát của tôi, là năng lực quản trị rủi ro. Một số doanh nghiệp, do quá trình hình thành và phát triển ngắn, chưa có nhiều kinh nghiệm trải qua khủng hoảng. Khi thị trường thuận lợi, lãnh đạo doanh nghiệp thường nghĩ mọi chuyện sẽ luôn như vậy và còn tốt hơn thế. Họ chưa có tâm thế chuẩn bị cho những bước hụt chân mà có xu hướng tận dụng nguồn lực để mở rộng đầu tư. Tâm lý này cũng dễ hiểu, vì tích lũy vốn còn thấp, nếu để trong các quỹ dự phòng rủi ro thì lãng phí quá. Tuy nhiên, quản trị rủi ro là nguyên tắc và hoạt động cơ bản mang tính chiến lược trong quản trị doanh nghiệp. Nếu quản trị rủi ro không hiệu quả thì sảy chân, mất thanh khoản là mất hết. Thế nên mới có câu chuyện doanh nghiệp “chết trên đống tài sản”.
Tôi không nhìn nhận đó là một cú cua gắt, bởi vì mỗi năm doanh nghiệp đều phải chỉnh lái. Tại EY, mỗi năm chúng tôi đều đánh giá lại xem thị trường cần gì, mình đang làm gì, cái gì có thể làm tốt hơn, chứ không đợi chu kỳ 5-10 năm rồi mới nhìn lại, mới thay đổi.
Tuy nhiên, đúng là yêu cầu chuyển đổi chưa bao giờ cấp bách như bây giờ. Nếu như những năm 1960-1970, ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp toàn cầu là tối ưu danh mục đầu tư và phân bổ vốn, những năm 1990-2000 là vấn đề toàn cầu hóa và đột phá, 2000-2020 là đổi mới và số hóa thì giai đoạn 2020 trở đi là tạo ra giá trị dài hạn.
Vì sao lại là giá trị dài hạn và tại sao lại là lúc này? Nghiên cứu của EY và nhiều tổ chức đều cho thấy hiện xã hội yêu cầu trách nhiệm lớn hơn từ các tổ chức mà họ làm việc, tiêu dùng và đầu tư. Doanh nghiệp quan tâm đến các giá trị dài hạn sẽ tạo lập sự tin tưởng của người tiêu dùng và xã hội, có được khách hàng trung thành, danh tiếng, giảm thiểu rủi ro, tăng cường khả năng thu hút vốn và thu hút nhân tài.
Giá trị không còn được định nghĩa hẹp như việc tạo ra giá trị cho cổ đông, mà thể hiện ở bốn phương diện: Giá trị khách hàng, tức là việc doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tập trung vào đổi mới, xây dựng niềm tin và thương hiệu. Giá trị con người, tức là việc phát triển con người trong tổ chức, với sự tôn trọng văn hóa, sự đa dạng, sự bao trùm - mà tôi gọi là “bao dung”. Giá trị xã hội, là tác động tích cực mà doanh nghiệp tạo ra về môi trường, chuỗi cung ứng, cho cộng đồng và tất nhiên cả đóng góp kinh tế. Giá trị tài chính, là doanh thu, là tối ưu hóa chi phí và cấu trúc vốn.
Điều đáng nói là chỉ một phần nhỏ các giá trị này được phản ánh trên bảng cân đối kế toán, tức là giá trị không dễ nhìn thấy thông qua góc nhìn tài chính đơn thuần. Do đó, việc tái định hình chiến lược phải hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, văn hóa tổ chức, niềm tin của người tiêu dùng và đầu tư vào đổi mới sáng tạo, cũng như đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan.
Việc chuyển đổi tất nhiên sẽ khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn. Đây là thời điểm cần đến viễn kiến của ban lãnh đạo. Doanh nghiệp cần phải “tưởng tượng” được thế giới mới sẽ diễn ra như thế nào, nếu không họ sẽ rất hoảng hốt, không biết tiếp tục con đường kinh doanh cũ hay đầu tư mới. Từ kinh nghiệm và nghiên cứu của chúng tôi thì những doanh nghiệp thành công luôn đặt con người vào trung tâm, tận dụng được công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các công ty có tăng trưởng tốt thường áp dụng phương pháp gọi là “tiếp cận từ tương lai” (future-back). Hãy đặt câu hỏi liệu việc kinh doanh của tôi có còn phù hợp trong 2, 5 hoặc 10 năm nữa không? Làm thế nào để tôi có thể tăng lợi thế cạnh tranh? Bằng cách đó, chúng ta có thể cân đối các quyết định ngắn và dài hạn.
Tôi cho rằng, phát triển bền vững sẽ là luật chơi mới cho tất cả doanh nhiệp muốn hội nhập và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây không phải là một trào lưu ngắn hạn mà là một thời đại mới. Các nước trên thế giới đang có xu hướng thắt chặt các quy định liên quan tới lao động giá rẻ và đánh thuế vào các sản phẩm phát thải nhiều carbon. Đặc biệt, COP28 mới đây cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng hướng tới tính bền vững, khi thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng như giảm dần nhiên liệu hóa thạch, tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng hiệu quả tiêu thụ năng lượng lên gấp đôi. Không chỉ thế, nhiều cơ hội tài chính và thị trường cũng đến từ các sáng kiến và cam kết liên quan tới khí hậu.
Phát triển bền vững không chỉ là lựa chọn đạo đức mà phải là chủ đích, là cam kết và cần được đặt làm trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc lộ trình, phân kỳ thực hiện và phân bổ hợp lý các nguồn lực liên quan.
Việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị, tuy là xu thế, nhưng cũng cần một sự chuyển đổi về tư duy chiến lược. Nếu trước đây chúng ta nghĩ mô hình “Con người thực hiện các quy trình với sự hỗ trợ của công nghệ dựa trên dữ liệu” là lý tưởng thì nay sẽ phải chuyển sang “Công nghệ thực hiện các quy trình dựa trên dữ liệu, được quản lý bởi con người”, tức là con người chỉ cần giám sát, còn việc thực hiện sẽ được tự động hóa với hiệu suất tăng theo cấp số nhân.
Công nghệ, nếu biết sử dụng đúng chỗ, không chỉ giải phóng sức lao động, mà còn phát huy tối đa tiềm năng của con người. EY đặc biệt quan tâm tới AI. Mới đây, EY đã công bố ra mắt EY.ai, một nền tảng kết hợp khả năng của con người và AI để giúp khách hàng chuyển đổi doanh nghiệp thông qua ứng dụng AI. Chúng tôi đã và đang tiếp tục cùng doanh nghiệp khách hàng xây dựng và ứng dụng AI một cách hiệu quả nhất.
Tại EY, tôi muốn mọi người đều cảm thấy tự hào về việc mình làm và đêm đêm họ đều được ngủ ngon. “Bao dung” với tôi bao hàm rất rộng, nhưng cốt lõi là việc mọi người cảm thấy được tôn trọng, được hỗ trợ, được đóng góp, được phát triển, được chia sẻ giá trị. Đây là thời điểm cạnh tranh rất khốc liệt, không chỉ là người lao động cạnh tranh để tìm việc làm, mà các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh để giữ chân tài năng. Mặc dù thời gian qua chúng ta nghe nhiều về sa thải lao động ở các công ty lớn, hay sinh viên ra trường khó tìm việc làm, nhưng trên bình diện rộng, theo EY 2023 Work Reimagined Survey (Khảo sát Tái hình dung Công việc năm 2023 của EY) cho thấy: so với giai đoạn trước COVID-19, cảm nhận “cán cân quyền lực” đã nghiêng nhiều hơn về phía người lao động.
Sự thay đổi của công nghệ, môi trường làm việc, sự “lên ngôi” của “gig economy” (tạm dịch: “nền kinh tế việc làm ngắn hạn, theo yêu cầu công việc”) đã thúc đẩy sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ hơn, mang lại sự linh hoạt trong lựa chọn công việc của người lao động. Vì vậy, thu hút và giữ chân nhân tài cũng là nhiệm vụ chiến lược của doanh nghiệp. Để chinh phục khách hàng thì trước hết bạn phải chinh phục được nhân viên, bằng nhiều yếu tố, nhưng không thể thiếu văn hóa của tổ chức.
EY 2023 Work Reimagined Survey cũng cho thấy văn hóa tổ chức tốt mang đến những thành quả cao hơn và giữ chân được nhân tài. Đơn cử, 60% người lao động không có ý định chuyển việc, 89% người lao động thấy gắn bó và được truyền cảm hứng ở nơi làm việc khi cảm thấy văn hóa tổ chức tốt hơn.
Doanh nghiệp thường nói rất nhiều về chất lượng và chỉ có chất lượng chúng ta mới chinh phục được khách hàng. Nhưng cái gì quyết định chất lượng. Chính văn hóa sẽ quyết định chất lượng. Bởi vì chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp phụ thuộc vào hàng nghìn quyết định hàng ngày, hàng giờ của đội ngũ nhân viên và quản lý các cấp. Tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo đương nhiên rất quan trọng, nhưng những người hiện thực hóa tầm nhìn đó, đưa nó đến với khách hàng là từng cá nhân trong tổ chức. Điều gì gắn kết họ với nhau, tạo ra hình ảnh thống nhất của một tập thể nếu không phải là văn hóa doanh nghiệp, là những giá trị chung mà họ chia sẻ?
Tôi sang Mỹ năm 1997, trước khi Việt Nam có internet và không có công cụ để tìm hiểu thế giới bên ngoài, nên cảm giác đầu tiên của tôi là: Ngợp và Sốc. Tôi thấy thiếu tự tin và thiếu chắc chắn về việc mình có tồn tại được ở môi trường đó hay không, chưa tính đến chuyện phát triển. Quá nhiều thứ mới mẻ. Tôi thấy mình như ở trong rừng ra, một con King Kong lạc vào New York. Chơi trên sân của người khác theo luật chơi của họ quả thực rất khó.
Những thứ họ coi là đương nhiên như lái xe trên cao tốc, hay thậm chí chỉ là bơm xăng, đi chợ, đi tàu điện, đối với mình đều là mới, chưa nói về ngôn ngữ, về những khác biệt trong văn hóa và chuyên môn. Nhưng qua bước bỡ ngỡ ban đầu thì mới thấy mọi thứ đều có thể học được. Nếu mình nỗ lực thì mình cũng không thua kém gì cả.
Thi CPA ở Mỹ rất khó, người Mỹ cũng trượt. Nhiều đồng nghiệp của tôi thời điểm đó còn phải chia làm hai chặng: mục tiêu chặng đầu là đỗ 2/4 môn, rồi chặng tiếp thi nốt hai môn còn lại. Tất nhiên tôi cũng rất lo. Mình vừa phải đi làm toàn thời gian, vừa lo cho gia đình cũng mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, vừa phải ôn thi, thì làm thế nào? Câu trả lời của tôi là nỗ lực. Tôi không tin có người nào nỗ lực hết mình mà thất bại mãi.
Làm việc ở một môi trường cạnh tranh nhất thế giới như Mỹ là một trải nghiệm khiến tôi khiêm tốn hơn và tự tin hơn. Mình khiêm tốn hơn vì thấy thế giới rộng lớn và có rất nhiều người giỏi. Nhưng mình cũng tự tin hơn vì hiểu rằng người ta sinh ra trong môi trường tốt sẽ có nhiều lợi thế, nhưng không có nghĩa là người ta siêu việt, và đặc biệt không có nghĩa là người ta sẽ luôn luôn vượt trội hơn mình. Đó là khoảng cách có thể bù đắp bằng nỗ lực. Đó là niềm tin của tôi.
Trong kinh doanh cũng vậy. Ai nhanh hơn, ai tận tâm hơn sẽ thắng. Nếu chúng ta hết lòng vì công việc, luôn nghĩ làm thế nào cho tốt hơn, mang lại giá trị hơn cho khách hàng thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Đủ đam mê, đủ quyết tâm sẽ tạo ra được sự khác biệt. Tôi tin rằng tất cả những người tận tâm với kinh doanh đều sẽ tìm ra con đường của mình.
*Quan điểm trong bài báo này là của người được trả lời phỏng vấn và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.