Trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, từ năm 2016, Agribank bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch” với quy mô vốn tối thiểu 50.000 tỷ đồng. Chương trình dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và Agribank.

Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hỗ trợ tín dụng đối với Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 và Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Đồng thời, Agribank mở rộng đầu tư cho vay các dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng; điện gió, điện mặt trời; cung cấp tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Tây Nguyên...

Với những hoạt động đã và đang triển khai, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023. Tính đến 31/12/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 28.277 tỷ đồng, với 42.883 khách hàng còn dư nợ.

Trong đó, dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 14.939 tỷ đồng, chiếm 53% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực lâm nghiệp bền vững đạt 6.926 tỷ đồng, chiếm 24%; thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ 6.175 tỷ đồng, chiếm 22%. Xét về số lượng khách hàng vay vốn, lĩnh vực lâm nghiệp bền vững chiếm tỷ lệ cao nhất với 99% tổng số khách hàng (41.909 khách hàng), giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các dự án cho vay với giá trị lớn chủ yếu lại thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Không chỉ tập trung ưu tiên nguồn vốn đối với tín dụng xanh, Agribank còn triển khai quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Trong 3 trọng tâm của ESG là môi trường, xã hội và quản trị, Quy định 1289/QyĐ/NHNo-RRTD ngày 31/5/2023 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của Agribank, hiệu lực từ ngày 1/6/2023 (Quy định 1289) chính là sự thể hiện rõ nét nhất sự quan tâm của Agribank đến yếu tố “môi trường”, khẳng định rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng cũng là rủi ro tín dụng. Chính sách quản lý rủi ro môi trường là trọng tâm cho quản trị bền vững và là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy Agribank cải thiện các nỗ lực phát triển bền vững của mình ngày hôm nay và trong tương lai.

Song song với đó, Agribank luôn tiên phong triển khai các chương trình bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu như “Agribank - Một triệu cây xanh, thêm cây thêm sự sống”, “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”... Agribank trực tiếp tổ chức hoặc tham gia tài trợ, tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, làm việc với các tổ chức quốc tế, hiệp hội ngân hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham), cơ quan thông tin, báo chí, tổ chức chính trị, xã hội để tuyên truyền, chia sẻ, học tập kinh nghiệm về ESG, tín dụng xanh…

Việc thực thi ESG tại Agribank gắn liền với sự tham gia, đồng hành của toàn thể người lao động, từ những hành động nhỏ nhất như tắt các thiết bị điện không cần thiết và khi không sử dụng, in giấy 2 mặt, không lãng phí nước... Việc nâng cấp, vận hành thí điểm Văn phòng điện tử iOffice (thay thế eOffice) với những tính năng ưu việt, hỗ trợ công tác lưu trữ văn bản của hệ thống cũng nhằm tận dụng tối đa công nghệ trong quy trình vận hành tại Agribank.

Đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ, xây dựng thói quen thân thiện với môi trường. Các dịch vụ tiện ích của Agribank đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng, phát triển hệ sinh thái số. Ngoài phát triển các dịch vụ thanh toán chuyển tiền truyền thống tại quầy giao dịch, dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử được phát triển mạnh mẽ thông qua triển khai các dịch vụ trên Emobile Banking,Internet Banking.

Liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số nhằm đơn giản hóa quy trình, nâng cao tiện ích cho khách hàng như thu nợ tự động trên IPCAS, tra cứu thông tin khoản vay và thu nợ trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, vấn tin xác nhận thư bảo lãnh trên webside Agribank... Điều này góp phần hạn chế chứng từ in ấn và tờ khai giấy từ khách hàng, qua đó hạn chế dùng giấy in, mực in... sẽ giảm đáng kể khí thải carbon ra ngoài môi trường.

Không bó hẹp trong nội bộ, Agribank luôn sẵn sàng tổ chức đào tạo về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và tín dụng xanh; phối hợp với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn… tổ chức các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về ESG. Agribank đã tiếp cận thành công và tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường với tổng nguồn vốn gần 6.500 tỷ đồng; 3 hợp đồng tài trợ của EIB (các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng); 2 dự án trong lĩnh vực phát triển khí sinh học, hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp do ADB tài trợ... Theo đó, Agribank được các nhà tài trợ quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)... tin tưởng, đánh giá cao trong việc thực hiện giải ngân cho vay, phục vụ các dự án ODA.

Agribank đã tích cực triển khai nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia, giúp cho người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tài chính cần thiết với chi phí hợp lý, nâng cao đời sống và phát triển kinh doanh; chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Ban hành các chính sách miễn, giảm phí chuyển tiền trong nước, phí phát hành thẻ, miễn phí thường niên, phí quản lý tài khoản năm đầu tiên; triển khai nhiều chương trình khuyến mãi dành cho các khách hàng sử dụng dịch vụ thông qua việc phối hợp với các cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị đối với khách hàng thực hiện thanh toán trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiếp tục đẩy mạnh kết nối thanh toán với các ví điện tử có uy tín trên thị trường; điều chỉnh, mở rộng phạm vi thanh toán với các ví điện tử đang kết nối (đến nay, Agribank đã kết nối thanh toán với 17 ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép). Triển khai các điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng để thực hiện các nghiệp vụ: Huy động tiết kiệm, giải ngân, thu nợ, chi trả kiều hối, mở tài khoản, phát hành thẻ, thu ngân sách nhà nước, dịch vụ bảo hiểm…

Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như hội nông dân, hội phụ nữ… để triển khai cho vay qua tổ, nhóm; chủ động phổ biến chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tới người lao động trong toàn hệ thống để chuyển tải tới khách hàng, lồng ghép vào các chương trình hành động, kế hoạch truyền thông chung của Agribank.

Chú trọng nâng cao thu nhập và phúc lợi xã hội đối với người lao động. Theo đó, bên cạnh các khoản lương và phụ cấp, trong những năm qua, người lao động tại Agribank được quan tâm đầy đủ các mặt, từ đời sống vật chất và tinh thần, việc làm, điều kiện, phương tiện làm việc, thu nhập, quyền lợi về nghỉ ngơi, chế độ khen thưởng… đến khuyến khích học tập, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, giúp cho người lao động tin tưởng, yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Agribank.

Các chế độ đối với người lao động được thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ, chi trả chế độ cho người lao động nghỉ hưu, thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động luôn được Agribank quan tâm giải quyết đầy đủ, là nguồn động viên tinh thần cho người lao động trong những năm cống hiến cho Agribank. Đồng thời, bảo đảm điều kiện làm việc của người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động…

Tiên phong, thể hiện trách nhiệm của ngân hàng thương mại nhà nước, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Agribank đã giảm 14 lần lãi suất huy động, 7 lần lãi suất cho vay, trở thành ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhiều nhất trong hệ thống.

Đáng chú ý, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, trung - dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm 2-4%/năm so với đầu năm. Agribank đã tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ. Riêng năm 2023, Agribank dành hơn 60.000 tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đến các cá nhân và doanh nghiệp.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank rất quan tâm đến công tác hỗ trợ an sinh xã hội, dành hàng trăm tỷ đồng mỗi năm với nhiều dự án, chương trình tài trợ tổng thể và dài hạn trên khắp cả nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đồng hành cùng chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển của Agribank, với tỷ lệ chiếm 55,4% trong tổng số hơn 40.000 người lao động toàn hệ thống, lực lượng lao động nữ Agribank luôn hiện diện và đóng góp tích cực trong mọi mặt hoạt động của Ngân hàng.

Tại Agribank hiện nay, rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng được xem xét là rủi ro tín dụng. Theo Quy định 1289, Trung tâm Quản lý rủi ro tín dụng đầu mối tổng hợp báo cáo nội bộ về quản lý rủi ro môi trường để báo cáo Tổng giám đốc qua Hội đồng rủi ro. Hiện Agribank chưa xây dựng bộ máy, bộ phận chuyên trách quản trị ESG, nhưng từ tháng 7/2023, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai ESG tại Agribank và kịp thời rà soát, bổ sung nhân sự Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc kịp thời.

Agribank đã xây dựng cơ chế và các kênh trao đổi, thu thập thông tin nội bộ giữa các bộ phận. Việc lập và trình bày báo cáo tài chính, thông tin về các nội dung quan trọng (mục tiêu, chiến lược, chính sách, quy trình) được trao đổi thống nhất giữa từng cấp, cá nhân, bộ phận có trách nhiệm triển khai, thực hiện hoạt động kiểm toán nội bộ.

Cụ thể, Agribank ban hành các quy chế về tổ chức và hoạt động của các đơn vị, trong đó xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức cho từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc và văn bản hướng dẫn hạch toán, quyết toán hàng năm đảm bảo tính nhất quán trong hạch toán, kế toán với các nghiệp vụ và các bộ phận. Mục tiêu công tác báo cáo tài chính được thể hiện trong Hướng dẫn quyết toán hàng năm, trong đó xác định công tác báo cáo tài chính đảm bảo chế độ hạch toán kế toán, thống kê theo chế độ quản lý của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu an toàn tài sản, báo cáo tài chính được lập kịp thời, đầy đủ thông tin.

Về công tác xây dựng, phê duyệt báo cáo tài chính, người đứng đầu các bộ phận chịu trách nhiệm phổ biến, trao đổi thông tin đến từng nhân viên chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động kiểm soát nội bộ liên quan tới báo cáo tài chính; Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc phê duyệt công bố thông tin báo cáo tài chính và các thuyết minh, giải trình có liên quan.

Agribank có cơ chế báo cáo hành vi sai phạm thông qua các hình thức trực tiếp bằng văn bản, đường dây nóng, kênh 24/7, hộp thư điện tử bảo mật, các báo cáo của các phòng/ban chức năng tại trụ sở chính độc lập, kịp thời cho các cấp có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật, quy định nội bộ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các cá nhân, bộ phận và người cung cấp thông tin được bảo đảm bảo mật thông tin, được bảo vệ.

Một số kênh thông tin Agribank lựa chọn để trao đổi thông tin với các đối tác bên ngoài như sau: Website của Agribank; báo cáo quản trị định kỳ; báo cáo thống kê định kỳ và bất thường theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền khác; báo cáo tài chính quý/năm của Agribank; báo cáo thường niên hàng năm và các cuộc họp với kiểm toán độc lập định kỳ hàng năm.

Đối với việc thực hiện quản trị rủi ro toàn diện, ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách về nhận diện, đánh giá rủi ro, thiết lập hệ thống cảnh báo rủi ro an toàn, hiệu quả; sắp xếp bộ máy hoạt động và bố trí nhân sự bảo đảm tách bạch giữa 3 tuyến phòng vệ. Agribank đã ban hành Quy chế số 1205/QC-HĐTV-RRTD ngày 29/12/2023 về quản lý rủi ro tuân thủ theo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/05/2018 của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của cá nhân, bộ phận liên quan trong công tác quản trị rủi ro.

Với những nỗ lực trên, Moody’s đã chấm điểm tín dụng ESG (CIS) của Agribank năm 2023 ở mức CIS 2. Đây là năm đầu tiên tổ chức xếp hàng tín nhiệm toàn cầu này áp dụng điểm CIS đối với các ngân hàng tại Việt Nam.

Điểm CIS đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị đến xếp hạng tín nhiệm của một ngân hàng, được Moody’s đánh giá trên thang điểm 5 từ mức độ tích cực đến tiêu cực: Tích cực (Positive, CIS-1); trung bình đến thấp (Neutral-to-low, CIS-2); tiêu cực ở mức độ vừa phải (Moderately-negative, CIS-3); rất tiêu cực (Highly-negative, CIS-4); cực kỳ tiêu cực (Very-highly- negative, CIS-5). Agribank được đánh giá ở mức điểm CIS-2, mức không ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm chung của Ngân hàng. Nhìn chung, Agribank đã chủ động tổ chức triển khai thực hành ESG tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước, chủ động cam kết và từng bước triển khai ESG, tích cực triển khai các hoạt động xã hội, vì cộng đồng, quản trị rủi ro và thực hiện tài chính toàn diện.