Trần Hòa Bình là Giám đốc Công ty Cà phê C.O.C Saigon. Học thạc sỹ quản trị kinh doanh CFVG tại TP.HCM xong, Bình không đi làm thuê cho một công ty nào, mà tự khởi nghiệp, định hướng phát triển sự nghiệp của mình gắn với cây cà phê. Trần Hoà Bình còn được biết đến với tên gọi Aquarius Tran - cái tên không xa lạ trong giới mê cà phê Việt.
Đam mê cà phê đã ngấm vào trong máu Bình từ khi nào không hay, anh có thể say mê nói về cà phê hàng giờ, hàng đêm, miệt mài rang cà phê và khám phá hương vị của từng vùng. Mỗi lần phát hiện một vị mới, niềm vui lại lan tỏa trong anh. Một đêm khuya mùa Đông lạnh buốt ở một thung lũng cạnh đèo Pha đin (Điện Biên), Trần Hoà Bình vẫn cùng chủ trang trại rang cà phê đến 3h sáng.
Hành trình ấy bắt đầu kể từ năm 2013, khi Bình rời TP.HCM ra Hà Nội lập nghiệp, anh phát hiện ra thói quen của nhiều người vẫn uống cà phê trộn đậu nành và bắp. Bình đem tư tưởng phóng khoáng đặt nền móng cho cửa hàng cà phê C.O.C Saigon đầu tiên tại Hà Nội.
C.O.C được lấy cảm hứng từ những quán cà phê bình dân của Sài Gòn, mang ý nghĩa cà phê sạch nguyên bản (Clean Origin Coffee), cùng với tầm nhìn lớn lao tại thời điểm đó: Thay đổi cách uống cà phê của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Các tín đồ cà phê có thể thưởng thức cà phê sạch, nguyên bản của từng vùng nguyên liệu khác nhau trên dải đất hình chữ S.
Để hiện thực hóa tầm nhìn ấy, Bình bắt đầu tìm đến những vùng nguyên liệu cà phê, kết nối cùng chủ trang trại để làm ra những hạt cà phê sạch, cho đúng hương vị. Anh quan niệm, hương vị cà phê phải đến từ tình yêu và bàn tay chăm sóc của người nông dân. Do đó, anh đi lựa chọn cà phê được chăm sóc tốt nhất Việt Nam, thể hiện được vị ngon đặc trưng, cũng như làm nổi bật các sản phẩm nguyên bản của từng vùng.
“Khi nói về Arabica, người ta thường nhắc đến Cầu Đất ở Đà Lạt như là vùng nguyên liệu Arabica ngon nhất Việt Nam, cũng như khi nhắc về Robusta, Đắk Lắk được xem như là vùng nguyên liệu Robusta ngon nhất cả nước, nhưng các tín đồ cà phê Việt đều biết rằng, mỗi vùng nguyên liệu nếu làm tốt đều sẽ ngon và cho hương vị đặc trưng khác nhau. Để hội tụ những nguyên liệu cà phê ngon nhất của mỗi vùng, tôi bắt đầu dự án JEO (Journey to Excellence Origin) của mình, cung cấp sản phẩm cà phê của 10 vùng nguyên liệu giúp khách hàng có trải nghiệm cà phê từng vùng với hương vị hoàn mỹ nguyên bản”, Bình chia sẻ.
Một ngày cuối tháng 12/2014, khi tìm đến Điện Biên, anh phát hiện ra một điều thú vị rằng, cà phê Arabica chế biến ướt của vùng Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La) với độ cao 700 - 900 m đem lại hương vị nhân sâm đặc trưng của thảo mộc, thể chất nhẹ, nhưng hậu vị ngọt lại rất sâu. Ngược lại, cà phê chế biến phơi nguyên trái tự nhiên lại cho ra vị chua thiên hướng trái cây của mơ, mận.
Sau khi đã có các vùng nguyên liệu, Bình bắt đầu liên kết với các trang trại, làm quy trình cà phê sạch, cung cấp nguyên liệu cà phê đảm bảo đúng hương vị nguyên bản của từng vùng.
Mỗi vùng nguyên liệu cà phê đều mang lại những trải nghiệm thú vị về hương vị. Cà phê Arabica của Đà Lạt (Lâm Đồng) lại có thiên hướng hương vị cam, chanh. Arabica Khe Sanh (Quảng Trị) có thiên hướng của hương hoa và mật ong.
Quá trình phơi cũng đóng góp một phần rất quan trọng trong việc tạo nên hương vị đặc sắc. Cà phê ngon phải được phơi trên giàn phơi trong nhà lồng tránh mưa nắng, có thể kiếm soát tốt cường độ nắng, độ ẩm và thời gian phơi.
Không chỉ tập trung vào lựa chọn nguyên liệu cà phê, Bình không ngần ngại thử nghiệm để tìm ra những hướng đi độc đáo cho sản phẩm, như sử dụng các đặc sản làm nguyên liệu lên men cho cà phê, cách lên men của một số vùng nguyên liệu sẽ cho ra các hương vị của dứa, dâu, chanh leo…
Trả lời câu hỏi, anh ấn tượng về vùng nguyên liệu nào nhất trên dải đất hình chữ S đã qua, Bình cho hay, Điện Biên là vùng nguyên liệu yêu thích nhất, đây cũng là vùng đầu tiên mà dự án JEO khởi động hành trình khám phá, cũng là vùng nguyên liệu thú vị nhất. Đây là vùng nguyên liệu có nhiều cây che bóng nhất. Trong khi đó, Măng Đen (Kon Tum) là vùng nguyên liệu với các vườn cà phê trồng ven rừng, nơi chất đất và khí hậu tốt để tạo nên hương vị cà phê thật đặc biệt.
Bộ sản phẩm 10 vùng cà phê mà Bình mới giới thiệu với cộng đồng đam mê cà phê đã hội tụ những nét đặc trưng và gói trọn tinh hoa cà phê Việt. Nét đặc trưng đó được Bình giới thiệu đầy đủ và trọn vẹn chắt lọc tinh hoa của cà phê Arabica, Robusta đến từ 5 địa phương Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum (trừ Măng Đen); 2 tỉnh miền Trung là Quảng Trị, Huế; 2 tỉnh vùng Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên; và vùng nguyên liệu thứ 10 từ Măng Đen (Kon Tum). Bộ sản phẩm đã ngay lập tức tạo tiếng vang trong cộng đồng đam mê cà phê bởi sự độc đáo và hương vị cà phê thực sự khác biệt.
Mười gói cà phê giản dị đó cũng gói trọn đam mê và nhiệt huyết mà Bình theo đuổi suốt 8 năm qua và tiếp tục nâng tầm sản phẩm theo hướng chất hơn, tinh hơn, giá trị hơn. Bình cũng thường xuyên tổ chức những cuộc hội thảo để giới thiệu sản phẩm mới miễn phí tới người đam mê cà phê, cùng đánh giá vùng nguyên liệu, có những góp ý để sản phẩm ngày càng được hoàn hiện hoàn hảo hơn.
Mục tiêu trong năm 2022, Bình sẽ hoàn thiện bản đồ hương vị của 10 vùng nguyên liệu Việt Nam. Khám phá hương vị hoàn mỹ nguyên bản của từng vùng. Về hướng đi sắp tới, anh vẫn kiên định với con đường đã chọn dù 3 năm tới sẽ là những năm khó khăn khi giá nguyên liệu tăng cao, C.O.C vẫn tập trung 100% vào các vùng nguyên liệu Việt, sản phẩm tinh hơn, độc đáo hơn, chất hơn.
Hàng năm, vào mùa thu hoạch, anh cùng nhóm của mình lại quay trở về vùng nguyên liệu để kiểm soát chất lượng thu hoạch cũng như chế biến hạt cà phê. Trong mỗi chuyến lên đường về các vùng nguyên liệu, Bình luôn chuẩn bị rất kỹ, khám phá hương vị cà phê của từng vùng, góp phần tạo ra xu hướng thưởng thức cà phê mới.
“Một con đường thật dài không có điểm kết thúc cũng như bản thân mình theo đuổi sự hoàn hảo không bao giờ kết thúc”, Bình chia sẻ về con đường của mình.