Đại hội đồng cổ đông bất thường của Nhựa Tiền Phong ngày 30/11/2017 đã không thông qua nội dung nới tỷ lệ sở hữu (room) tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, không rút 2 ngành nghề là bất động sản và vận tải hàng hóa để tăng room ngoại. Đại hội đã bầu bổ sung 1 thành viên Hội đồng quản trị là đại diện cổ đông lớn Sekisui Chemical (Nhật Bản) giới thiệu, bãi nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị vốn là ứng viên do nhà đầu tư Thái Lan, cổ đông lớn của Nhựa Tiền Phong trước đây.
Diễn biến này không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích có nhiều năm quan sát Nhựa Tiền Phong, đặc biệt là xét trong bối cảnh những động thái chống thâu tóm của nhà đầu tư Thái Lan trước đó ít nhiều mang dấu ấn của ông Đặng Quốc Dũng.
Đề xuất nới room được cổ đông lớn Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đưa ra được nhìn nhận như bước mở đường cho việc thoái vốn nhà nước tại đây thuận lợi. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được nhóm cổ đông lớn của Nhựa Tiền Phong ủng hộ.
Vậy ông Đặng Quốc Dũng là ai? Doanh nhân này sinh năm 1968, gốc người Hà Nội, được giới kinh doanh đất cảng gọi với biệt danh “Dũng ống”. Bởi lẽ ông Dũng xuất thân từ một gia đình có bố mẹ là cán bộ làm việc tại nhà máy ống Nhựa Tiền Phong – một thương hiệu lớn đầy tự hào của mọi người dân Hải Phòng. Tiếp nối truyền thống gia đình, ông Dũng đã chọn lựa ngành kinh doanh ống nhựa để lập nghiệp và vươn lên quản lý một trung tâm phân phối lớn của Nhựa Tiền Phong. Không chỉ sống với giấc mơ kinh doanh, ông Dũng tiếp tục gia nhập đội ngũ lãnh đạo Nhựa Tiền Phong với quyết tâm gìn giữ và phát triển thương hiệu Việt hơn 55 năm mà ông cha để lại.
Hiện tại, ông Dũng là ủy viên Hội đồng quản trị Nhựa Tiền Phong, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam.
Trong danh sách cổ đông lớn của Nhựa Tiền Phong chốt ngày 8/11/2017 đều là những cái tên có liên quan tới ông Dũng. Cụ thể, cá nhân ông Dũng nắm giữ 6,13 triệu cổ phần NTP, tương ứng tỷ lệ sở hữu 6,87%; bà Lê Thị Thúy Hải, vợ ông, sở hữu 6,35 triệu cổ phần NTP, tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,125%; Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam mà ông là lãnh đạo sở hữu 5 triệu cổ phần NTP, tương ứng tỷ lệ 5,66%; Sekisui Chemical, nhà đầu tư chiến lược của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam sở hữu 13,3 triệu cổ phần NTP, tương ứng tỷ lệ 15%.
Trước khi Đại hội đồng cổ đông bất thường của Nhựa Tiền Phong diễn ra để bàn về nội dung nới room, cổ phiếu NTP đã trở thành hiện tượng của tuần giao dịch đầu tháng 10/2017 với rất nhiều giao dịch thỏa thuận có khối lượng đột biến, từ hơn 1,1 triệu đơn vị đến hơn 9 triệu đơn vị, tại các mức giá từ 69.300 đồng/cổ phiếu đến 71.800 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, Nawaplastic Industries (Saraburi) Co,. Ltd, cổ đông lớn Thái Lan thông báo đã hoàn tất bán ra toàn bộ hơn 21,27 triệu cổ phiếu NTP, tương ứng 23,84% vốn điều lệ Công ty. Giao dịch thực hiện từ ngày 25/9/2017 đến 12/10/2017.
Nguồn tin am hiểu với Nhựa Tiền Phong trước thềm Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cho biết, ông Đặng Quốc Dũng cùng với các thành viên ban điều hành đều mong muốn tìm kiếm cổ đông chiến lược có thể giúp Nhựa Tiền Phong phát triển bền vững trong tương lai do đó giới thiệu nhà đầu tư Nhật Bản mua lại cổ phần NTP từ Nawaplastic Industries. Ngoài ra, một lượng lớn cổ phần khác được nhà đầu tư nội mua lại từ đối tác Thái Lan này.
Nhóm nhà đầu tư lớn, cùng với ông Đặng Quốc Dũng và cả nhà đầu tư Nhật Bản, ước tính sở hữu xấp xỉ 51% cổ phần NTP, tỷ lệ có thể coi là chi phối NTP. Do đó việc phản đối hay ủng hộ đề xuất nới room chắc hẳn rất cần sự đồng thuận từ phía nhóm cổ đông lớn này.
Trong cuộc lội ngược dòng chống thâu tóm này, đó là ngoài bản thân ông Dũng đăng ký mua rất nhiều cổ phần NTP, Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam cũng liên tục đăng ký mua vào cổ phần NTP từ nguồn thu phát hành cổ phiếu với đối tác Nhật Bản.
Với tham vong phát triển Nhựa Tiền Phong trở thành thương hiệu dẫn đầu cả nước. Mới đây, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam đã mở rộng diện tích sản xuất bằng việc khởi công xây dựng thêm nhà xưởng trên diện tích 11 ha tại Khu công nghiệp Đồng An II, nhằm gia tăng sản lượng, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Vào ngày 5/7/2017, Công ty đã ký kết hợp tác chiến lược với Sekisui Chemical, hiện cũng là cổ đông lớn của NTP. Theo đó, Sekisui Chemical trở thành cổ đông chiến lược của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam. Đi kèm với giao kết chuyển giao vốn này, Công ty nhận được sự hỗ trợ về công nghệ mới và thiết bị hiện đại từ doanh nghiệp hàng đầu của Nhật.
“Đây sẽ là nền tảng để nhà máy của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam tiếp nhận công nghệ cao từ Nhật Bản trong việc sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm tiên tiến mà chưa có đơn vị nào ở Việt Nam sản xuất được, hoặc phải nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Đặng Quốc Dũng chia sẻ.
Không chỉ Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam, ông Dũng có thể sẽ khởi động nhiều kế hoạch, dự án mới với NTP. SCIC đã có định hướng và lộ trình thoái 37% vốn khỏi NTP. Trên thị trường, NTP là doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hiệu quả với lợi nhuận tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm gần đây, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thuộc nhóm hàng đầu thị trường.
Tất nhiên, có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến NTP, nhưng với cục diện và cơ cấu cổ đông của NTP nêu trên, sẽ không dễ để các nhà đầu tư mới đặt chân vào doanh nghiệp và chung sống hòa bình, nếu không có sự ủng hộ của nhóm cổ đông lớn hiện tại.
Vậy có nhà đầu tư nào khác sẽ mua lại phần vốn nhà nước tại NTP, trong khi khả năng bán cho nhà đầu tư nước ngoài là rất hạn chế vì NTP không nới room?
Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo của NTP cho biết, nhiều người lao động của Công ty và các cổ đông hiện hữu muốn mua số cổ phần Nhà nước thoái vốn tại NTP.
Trước đây, SCIC từng có hình thức bán cổ phần tại một số doanh nghiệp là chia lô cổ phần theo tỷ lệ 70:30, theo đó 70% cổ phần sẽ dành bán cho công đoàn, người lao động trong doanh nghiệp với giá bằng giá đấu bình quân của 30% cổ phần còn lại. Tuy nhiên, hiện tại, hình thức bán này đã không còn được phép áp dụng.
Liệu tới đây, một phần lớn cổ phần NTP có tập trung về tay một vài cổ đông nội? Thời gian sẽ trả lời, nhưng với cục diện hiện tại, ứng viên sáng giá nhất giải bài toán này có lẽ chính là doanh nhân Đặng Quốc Dũng. Người luôn đam mê kinh doanh ống nhựa và “giữ lửa” cho thương hiệu Nhựa Tiền Phong.