Đến Tân Hiệp Phát vào một ngày đầy nắng, tôi được trò chuyện cùng Tổng giám đốc Trần Quí Thanh (Dr. Thanh)một buổi chiều sau khi tự mình đi đến các phòng ban để cảm nhận phong cách làm việc của một doanh nghiệp gia đình.
Nếu cuộc đời là những chuyến đi thì với tôi, chuyến thăm Tân Hiệp Phát mang đến nhiều cảm xúc lạ lẫm. Dòng cảm xúc bất ngờ khi tôi nhận ra những nét rất riêng trong bề dày văn hóa của công ty gia đình Tân Hiệp Phát tại đây.
Sảnh tầng 1 của Tòa nhà Tân Hiệp Phát Bình Dương là nơi trưng bày những tấm ảnh, những thành tích, những kỷ vật ghi dấu ấn trong lịch sử 23 năm hoạt động.
Cách trưng bày này không khác cách làm của nhiều doanh nghiệp lớn mà tôi có dịp đến thăm. Điểm khác biệt là nơi đây có 1 bức hoành lớn, công nhận Gia tộc doanh nhân họ Trần do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam công nhận và đặc biệt, có 1 cuốn sổ khổ rất lớn, ghi lại những bài hát, những bản nhạc do nhân viên Tân Hiệp Phát sáng tác nhiều năm qua.
“Sống như những đóa hoa”, “Niềm tin phía trước”, “Vũ điệu chiến thắng”, “Một khí phách, một trái tim Việt Nam”… là những cái tên thật đẹp hiện ra trên từng trang sổ, thôi thúc tôi mở ra nhiều trang nữa, nhiều trang nữa với mong muốn được hiểu sâu hơn, được chạm vào “linh hồn” của văn hóa Tân Hiệp Phát. Có cái gì đó thật khác với hình dung của tôi về doanh nghiệp này.
Không đơn giản là khu công nghiệp, là nhà máy, là những người công nhân, là bộ phận bán hàng, là nguyên liệu, là công nghệ…, mà Tân Hiệp Phát được xây dựng nên từ một khát vọng chinh phục thử thách và tình yêu với cuộc đời.
Rồi mối quan tâm dẫn dắt tôi đến với một thước phim tư liệu mà chắc chắn bất cứ ai xem cũng không khỏi xúc động. Một người phụ nữ nhỏ nhắn, có nét mặt thanh tú và nụ cười tươi tắn như hoa, đứng tựa vào người con gái lớn Trần Uyên Phương, run run đọc từng lời thơ mừng ngày Dr. Thanh tròn 63 tuổi, những lời thơ hùng tráng như chạm đúng điểm tôi đi tìm:
Bài thơ khép lại bằng những cái ôm thật chặt và cả những giọt nước mắt mừng vui, xúc động của hàng ngàn nhân viên Tân Hiệp Phát. Những giọt nước mắt tiếp lửa và sưởi ấm cho trái tim “người chiến binh quả cảm” Dr. Thanh.
Người mà rồi hiểu thêm tôi được biết, cuộc đời ông mồ côi từ khi 9 tuổi, lập nghiệp khi 22 tuổi và từng trải qua bao nhiêu sóng gió thương trường, nhưng vững một cốt cách: không có gì là không thể nếu nguyện sống theo 1 nguyên tắc: “Hôm nay tốt hơn hôm qua và không bằng ngày mai”.
Báo chí đã viết về Dr. Thanh lập nghiệp, từ việc sản xuất men, đến chế biến mía đường, kinh doanh vàng và sau đó toàn tâm dồn vào một khát vọng: tạo dựng thương hiệu đồ uống Việt Nam nối tiếng thế giới.
23 năm từ con số 0, Tân Hiệp Phát là nơi làm việc của 5.000 người lao động, sở hữu 4 nhà máy lớn trải dài khắp cả nước với sản phẩm tiêu thụ toàn quốc và xuất khẩu sang 16 quốc gia.
Mỗi năm, Công ty đóng góp hàng trăm tỷ đồng, có năm cả nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Riêng tôi thì chưa biết nhiều về ông, vì tính chất công việc chủ yếu của tôi là làm việc với các công ty đại chúng. Nói chuyện với tôi, ông cười bảo, 23 năm thế cũng là dài rồi đấy, trong bối cảnh thương trường như chiến trường.
“Thực tế, việc xây nên một thương hiệu rất rất khó, nhưng để phá vỡ nó thì có thể rất dễ dàng”, ông tâm sự. “Môi trường kinh doanh nước ta có 3 điểm yếu, đó là thiếu tính định hướng, thiếu đầu tư vào nghiên cứu, sáng tạo và thiếu công cụ bảo vệ những thương hiệu được xây nên”, ông tiếp.
Dù trải qua nhiều sóng gió thương trường trên con đường đưa sản phẩm trà ghi danh thương hiệu Việt, nhưng trong cốt cách “người chiến binh quả cảm” Tân Hiệp Phát, ông luôn bình thản và sẵn sàng đón nhận sóng gió mới và chưa bao giờ nghĩ chuyện rời xa quê hương mình.
Định hướng đúng, theo ông, đó chính là giúp mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vận hành theo quy luật thị trường. Đài CNBC từng ghi nhận được một câu rất “đắt” của Dr. Thanh: “Tại Tân Hiệp Phát, mua cái gì cũng bán và bán cái gì cũng mua”. Chỉ cần sự hợp tác phải có lợi cho các bên và chia sẻ được tầm nhìn về mục tiêu khát vọng.
Sau này, tôi dần nhận ra điều Dr. Thanh nói với CNBC được hiện thực hóa trong một số bài viết ông khuyên bạn trẻ khi khởi nghiệp. Theo ông, khởi nghiệp cần nhiều yếu tố để thành công (vốn, công nghệ, cộng sự, thiết bị, kinh nghiệm…), nhưng nếu bạn chỉ có 1 yếu tố xuất sắc thì cách đi đến thành công là phải hợp tác để cộng hưởng nguồn lực. “Tân Hiệp Phát là một cánh cửa bạn có thể "gõ” nếu đủ tự tin”, ông mở lời.
Với sự gánh vác điều hành của cô con gái cả Trần Uyên Phương, ở tuổi 64, Chủ tịch Tân Hiệp Phát vẫn không ngừng làm việc cho Công ty mình, cho ngôi nhà mình.
Ông tâm sự, ông vẫn giữ phong độ làm việc khoảng 16 tiếng mỗi ngày, nhưng có một điểm khác là ông dành riêng một khoảng thời gian để chia sẻ cảm nhận về giá trị sống đến mọi người thông qua trang cá nhân tranquithanh.com.
Những bài viết chứa đựng sự khích lệ và gợi mở những khát vọng đẹp cùng góc nhìn nhân văn về cuộc đời đang được Dr. Thanh chia sẻ qua nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề, chuyện xã hội... tại trang mang tên ông. Nào là chuyện mối tình đầu, chuyện con ruồi và công nghiệ Aseptic, chuyện về cuộc thi Ironman mà cả nhà ông sẽ thi cùng ngài Trump của nước Mỹ, chuyện về bản lĩnh sống, cách dạy con đứng lên mạnh mẽ với cuộc đời…
Ông kể như đang nói chuyện với bạn bè, khiến bạn đọc tinh ý sẽ có cảm nhận như được đối thoại, như chạm vào cốt cách Dr. Thanh từ những lời lẽ được viết gọn ghẽ và thú vị.
Trong một bài viết cho các bạn trẻ, ông tâm sự: “Tôi ấn tượng với bài nói chuyện tại Đài KBS Hàn Quốc về làm giàu của tỷ phú Jack Ma - người sáng lập và điều hành Tập đoàn Alibaba: “25 tuổi, bạn đừng lo. Mọi sai lầm đều là tài sản, đều là bài học quý báu cho các bạn”.
Tôi đã từng sai lầm khi bước vào khởi nghiệp ở lứa tuổi đó, không ai dạy tôi như Jack Ma dạy các bạn trẻ, bản tính gan lì đã giúp tôi bước qua được những sai lầm, để có được như ngày hôm nay”.
Đó là quan điểm Jack Ma, còn quan điểm của ông chủ tỷ USD của Việt Nam, Trần Quí Thanh thì sao? Ông bảo, để khởi nghiệp thành công cần rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố đầu tiên bạn phải có là đam mê và khát vọng tạo ra những sản phẩm tốt nhất, giá rẻ nhất cho xã hội.
“Trước khi hỏi vốn đâu, kinh nghiệm đâu, ý tưởng đâu, nhân sự đâu thì hãy hỏi “Ý chí của ta đâu? Khát vọng của ta đâu? Ta phải làm gì để khác biệt với thế giới? Khi có ý chí và khát vọng đủ lớn, bạn sẽ tìm ra con đường”.
Nếu ở các doanh nghiệp đại chúng, hay nhiều tổ chức khác, nơi người lãnh đạo làm việc theo sự bầu lên của tập thể và thực thi trách nhiệm theo nhiệm kỳ thì ở một doanh nghiệp tư nhân, cấu trúc tổ chức công ty có sự khác biệt căn bản. Như chia sẻ của Dr.
Thanh với kênh truyền hình quốc tế thì thật khó để tìm ra một doanh nghiệp Việt chi hàng triệu USD để xây dựng một quy trình ra quyết định như Tân Hiệp Phát.
Sở hữu là gia đình nhưng quản trị là hiện đại. “Sở hữu gia đình quý ở chỗ, khi kinh doanh thua lỗ, người chủ sở hữu vẫn cố gắng bám trụ để hồi sinh công ty.
Còn với nhà đầu tư, thấy lỗ họ sẵn sàng bán”, ông nói. Nếu đặt mình ở vai trò một nhà quản trị, khi công ty gặp khó khăn, bạn sẽ muốn báo cáo với một hội đồng sẵn sàng đi qua khó khăn đó, đầu tư thêm nguồn lực để vực dậy doanh nghiệp, hay một hội đồng nhìn doanh nghiệp như một cỗ máy tài chính, sẵn sàng đóng cửa nó khi thua lỗ?”. Ông đặt vấn đề và cho rằng, đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa một công ty gia đình so với một công ty đại chúng.
Không chỉ khác ở câu chuyện tài chính, sự gắn kết của một gia đình doanh nhân cháy bỏng khát vọng đi cả vào những vần thơ yêu thương của một người phụ nữ đặc biệt, “một nửa cuộc đời” và mãi mãi là “cánh tay mặt” của Dr. Thanh:
Tâm sự về cuộc hành trình tương lai, ông bảo, một vài người bạn từng hỏi khi nào ông cho phép mình nghỉ ngơi, thư giãn. Ông cười vì ông không có ý niệm nghỉ hưu. Khi còn đam mê thì mỗi ngày là một cuộc rong chơi thú vị. “Thượng đế đã tạo nên một thế giới hoàn hảo, cho mỗi người một sở thích để dẫn dắt hành động hướng theo sở thích tự thân.
Tôi khoái cái cách vận hành thế giới của Thượng đế, bởi khi sống với đam mê thì không còn áp lực, công việc trở thành những cuộc rong chơi trên hành trình chinh phục thử thách và ghi dấu ấn với cuộc đời”, ông nói.
Theo lẽ thông thường, sự vận hành của các doanh nghiệp đều hướng chung đến mục tiêu quan trọng nhất là lợi nhuận. Với ông và Tân Hiệp Phát thì sao? - tôi hỏi. Ông lại cười, nụ cười của một người từng trải, nhận được câu hỏi của một người trẻ ngốc: “Đó là cái dở nhất ở những doanh nghiệp bị tư duy nhiệm kỳ chi phối.
Khi đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết, doanh nghiệp buộc lòng phải cắt giảm đầu tư. Khi cắt giảm đầu tư thì không thể mong doanh nghiệp có sự phát triển bền vững. Một doanh nghiệp muốn bền vững phải hội tụ 2 yếu tố cốt lõi: doanh thu (độ lớn của thị trường) và đầu tư đủ lớn”.
Như ông kể, ở Tân Hiệp Phát, xác lập từ đầu khát vọng chinh phục thị trường quốc tế, việc đầu tư cho công nghệ để tạo ra chất lượng sản phẩm tốt nhất luôn là ưu tiên số 1.
Nhà máy Chu Lai khai trương hồi tháng 3 vừa qua là nhà máy thứ 3, Công ty áp dụng công nghệ Aseptic hiện đại nhất thế giới, hoàn toàn vô trùng (vi trùng không lọt sao lọt được con ruồi nhỉ? - PV).
Bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng không kém là đầu tư phát triển đội ngũ kế nhiệm, mà quan trọng nhất là kế nhiệm khát vọng, kế nhiệm sứ mệnh của một doanh nghiệp Dr. Thanh và người bạn đời đã tạo dựng nên.
Trong quan điểm của Dr. Thanh, “kế thừa một doanh nghiệp không phải là một đặc lợi mà một trọng trách”. Vì thế, ông trao truyền cho Uyên Phương cũng như 2 người con của mình cách tự đứng lên mạnh mẽ với cuộc sống để chúng biết nghĩ cho sáng, biết làm cho chuẩn. “Ba làm giàu là để cho xã hội, cho cuộc đời, không phải để cho các con xài…”. (bạn đọc có thể đọc qua bài cùng tên trên trang tranquithanh.com).
Tôi bỗng có cảm thấy như có lỗi khi mới chỉ biết đến Tân Hiệp Phát ở hình ảnh 1 chai nước giá 10.000 đồng, hay nhớ câu chuyện về con ruồi ai gắp bỏ vào một cái chai…. Đến Tân Hiệp Phát sẽ thấy, ở đây, có những giá trị đáng được vun đắp, đáng được bảo vệ khi nước ta đang hướng đến khát vọng xây nên những thương hiệu Việt ghi danh toàn cầu.