11h đêm những ngày giữa tháng 10, công trường Sheraton Đà Nẵng vẫn sáng rực ánh đèn. Đây đó, hàng trăm công nhân miệt mài làm việc.
Ngắm nhìn phòng đại tiệc khách sạn sang trọng, lộng lẫy như cung điện Versailles (Pháp), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. 6 tháng trước, đã có rất nhiều người đi thực địa công trường đánh cược: Dự án không thể về đích. Còn hơn 1 năm trước, nơi đây vẫn là bãi cát trống, ngổn ngang.
Kể với chúng tôi kỳ tích của Sheraton Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, chủ đầu tư dự án, có lúc nghẹn giọng vì xúc động.
Dù đã quen với những dự án nghìn tỷ, với bà và 21 nhà thầu lớn hàng đầu Việt Nam, đây là dự án thách thức nhất, bởi áp lực tiến độ thần tốc và chất lượng vô cùng khắt khe.
“Dù chạy hết tốc lực, nhưng vào cuối tháng 4, cả tôi và lãnh đạo 21 nhà thầu rơi vào tâm trạng cực kỳ lo lắng. Do nhiều yếu tố khách quan, dự án đã chậm tiến độ gần 2 tháng.
Một địa điểm khác đã được lên kế hoạch dự phòng trong trường hợp Sheraton Đà Nẵng không kịp về đích”, bà Nga kể.
Sau nhiều đêm không ngủ, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi phương án, bà Nga đã hội ý với các nhà thầu và đi đến một quyết định quan trọng: “Chúng ta sẽ làm việc không nghỉ, với 3 ca mỗi ngày, vì vậy tháng 6 sẽ có 90 ngày, với tinh thần tập trung cao độ, với một mục tiêu duy nhất: Hoàn thiện công trình xứng đáng là một trong những biểu tượng của Việt Nam”.
Tham dự cuộc họp giao ban tại Hà Nội sau đó, các nhà thầu không tránh khỏi cảm giác bất ngờ khi thấy 2 tấm pano khổ lớn với dòng chữ: “Danh dự với Tổ quốc, trách nhiệm với đối tác, thức trắng cùng APEC” đặt sẵn trong phòng họp.
Ông Lê Văn Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kể: “Chúng tôi hiểu rằng, đóng góp bàn tay khối óc vào Sheraton là niềm tự hào được đóng góp cho Tổ quốc”.
Còn ông Lâm Quang Tín, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Alliance, nhà thầu trang trí nội thất cho biết: “Từ giây phút đó, tôi đã xác định, tham gia công trình là trách nhiệm của doanh nghiệp và sẵn sàng làm việc với tâm thế không vì lợi nhuận”.
Tinh thần quyết tâm của chủ đầu tư, các nhà thầu lan tỏa đến những công nhân trực tiếp tham gia dự án khi buổi họp được truyền hình trực tiếp tới công trường. Hàng nghìn công nhân dù trời nắng chang chang, bỏ mũ, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên công trường và cùng giơ tay, hô vang khẩu hiệu “quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm”.
Ngọn lửa trách nhiệm và danh dự với Tổ quốc đã được thổi bùng lên mạnh mẽ, sức mạnh nhân dân được huy động để biến những điều không thể thành có thể. Từ đó, cả công trường ban đêm sáng như ban ngày, lúc cao điểm có tới 10.000 người làm việc, công nhân tăng ca được nhận phụ cấp trực tiếp bằng tiền mặt từ BRG ngay sau khi kết thúc ca làm. Hàng loạt lãnh đạo của BRG, của các nhà thầu được biệt phái đến công trường…
Những trải nghiệm nơi đây có lẽ sẽ trở thành kỷ niệm khó quên trong đời xây dựng của nhiều người. Họ là những cán bộ làm việc hết mình, có lúc mệt quá, vào viện tiếp nước, ngày hôm sau khỏe hơn, lại xin tiếp tục “ra trận”.
Với riêng Chủ tịch BRG, cộng sự của bà kể, chưa có dự án nào khiến bà dành nhiều thời gian, tâm sức, thậm chí nhiều lúc mất ăn, mất ngủ như Sheraton Đà Nẵng.
Tuần nào bà cũng có mặt ở dự án, cao điểm đến 3 lần mỗi tuần, nhiều đến nỗi, nhân viên 2 sân bay Hà Nội và Đà Nẵng lắm khi còn thắc mắc, sao cứ sáng sớm đã thấy bà ở Đà Nẵng và tối muộn lại ra Hà Nội.
Hầu hết ngày làm việc của bà đều kết thúc lúc 11-12h đêm trên công trường, thậm chí là những đêm trắng vào cuối tuần. Rất nhiều lần họ thấy bà đứng trầm tư hàng giờ đồng hồ để suy nghĩ về một bài toán khó, mà ngay cả các nhà thầu còn đang bí.
Và cũng chính bà thường là người “xông” vào những điểm nóng nhất, khó khăn nhất, để rồi ra các quyết định chính xác, kịp thời.
Ông Paul Scallan, đại diện Tập đoàn Marriott nhận xét: “Trong suốt quá trình làm việc hơn 20 năm của tôi, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một dự án được hoàn thành với tốc độ kỷ lục mà vẫn đảm bảo chất lượng cao như vậy! Trận bão hồi tháng 6 tràn qua Đà Nẵng đã bốc bay mái nhà đang được dựng dở dang và tôi nằm trong số những người không tin dự án có thể hoàn thành kịp phục vụ APEC 2017”.
Chuyên khảo sát và thẩm định chất lượng các dự án mang thương hiệu Sheraton khắp thế giới, vị chuyên gia này ấn tượng với sự năng động và hiểu biết của bà Chủ tịch BRG, đặc biệt là cách mà bà truyền lửa để tất cả mọi người làm hết khả năng của mình, thậm chí vượt qua cả những giới hạn mà họ tưởng chừng không thể với tới.
Ông Lê Viết Hải đã kể về những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” được thiết lập trong cuộc “chạy đua” với APEC 2017. Đó là, thời điểm đại công trường ngổn ngang vào những ngày đầu tháng 6 với hàng chục nghìn công nhân làm việc 3 ca đến từ hơn 20 nhà thầu lớn, bà Nga đã có một quyết định lịch sử: Trao cho Hòa Bình trách nhiệm tổng thầu, giám sát và chịu trách nhiệm toàn bộ các đầu việc trên công trường. Tổng thầu phần thô thì Hòa Bình đã có kinh nghiệm ở rất nhiều công trình, nhưng tổng quản một đại dự án, trong đó có cả những phần việc về thiết kế, trang trí nội thất, cơ điện… thì chưa. Nhờ có quyết định ấy, cả công trường chạy rầm rập mà vẫn theo trật tự, chỗ nào hổng, lập tức có người xử lý, có giải pháp.
Sheraton Đà Nẵng có kiến trúc tráng lệ, với sảnh tiệc thuộc khuôn viên khách sạn lớn nhất Việt Nam (1.267 m2), trần cao nhất Việt Nam (12,75m), tổng diện tích hội họp lên tới trên 3.300 m2, gồm nhiều không gian linh hoạt của 14 phòng chức năng khác nhau, 7 nhà hàng mang 7 phong cách khác nhau và đặc sắc hơn cả là tất cả 258 phòng đều có hướng nhìn ra biển hoặc bể bơi.
Chuyện liên quan đến bể bơi có chiều dài kỷ lục cũng là trải nghiệm khó có thể quên. Thời điểm đó, công trình đang gấp rút thi công cho kịp tiến độ, vậy mà bà Nga lại quyết định: Nối thông 3 bể đã hoàn thành, để tạo ra 1 bể bơi dài nhất Việt Nam, lên tới 250m.
“Tôi rất lo khi phải đập phá ở thời điểm nước rút với rất nhiều vấn đề kỹ thuật phải giải quyết, vật liệu theo thiết kế cũ phải bỏ đi, đặt vật liệu mới từ nước ngoài về trong thời gian ngắn…, mà chỉ có 10 ngày để xử lý toàn bộ. Nhưng chị Nga nói, chúng ta sẽ làm được”, ông Lê Viết Hải kể.
Nhận thức rất rõ tầm quan trọng của dự án, bà Mai Thanh, Chủ tịch REE đã biệt phái 3 phó tổng giám đốc tinh nhuệ nhất của mình trực chiến trên công trường. Ông Trần Bá Thông, Phó tổng giám đốc REE cho biết, hệ thống thông tin liên lạc, quản trị thông minh tòa nhà được ví như trái tim của tổ hợp, đòi hỏi độ kỹ thuật rất cao.
REE từng làm nhiều dự án lớn như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Tòa nhà Quốc hội, nhưng chưa bao giờ gặp dự án có áp lực về thời gian, tính chất quan trọng như Sheraton Đà Nẵng.
“Hơn 25 năm đi làm cơ điện, tôi chưa gặp dự án nào áp lực như vậy. Có những đêm không ngủ được, lo lắng phải tìm cho được phương án giải quyết những vấn đề phát sinh”, ông Thông nói.
Dân kỹ thuật vốn kiệm lời, còn những ai từng chứng kiến công việc của người thợ REE đã kể, cứ tưởng tượng những búi dây mà họ phải sắp đặt, tháo lắp như một đĩa mì spagheti để thấy công việc khó khăn, phức tạp đến nhường nào.
Doanh nhân Lâm Công Tín lại nhắc đến kỷ lục vượt qua ngưỡng cản của chính mình. Khi ông Tín nhận gói thầu nội thất của dự án với quy mô doanh số khoảng 100 tỷ đồng/tháng, không ít đối thủ lắc đầu “vị này thừa tiền để nộp phạt vi phạm hợp đồng”, bởi năng lực cao nhất của một nhà thầu trang trí nội thất tại Việt Nam hiện nay chỉ cho phép đảm nhận một nửa con số đó.
Trong khi, ở dự án này, Alliance vừa thi công, vừa phải chờ thiết kế, thiết kế lại liên tục thay đổi cho phù hợp với tiêu chuẩn sang trọng đủ phục vụ APEC. Nhiệm vụ vô cùng áp lực, bởi nội thất yêu cầu phải tinh tế, chính xác từng cm.
Bản thân ông Tín ít khi trực tiếp xông trận, dù đó là những khách sạn cao cấp như Park Hyat ngay sát trụ sở công ty tại Sài Gòn, vậy mà với Sheraton Đà Nẵng, ông đã phải xắn tay áo trực tiếp chỉ huy trên công trường.
“Có lúc tôi lo đến phát ốm khi đoàn 300 đại biểu APEC đến kiểm tra tiền trạm, nhưng bản lề dành cho hệ thống cửa phòng ballroom (mỗi cánh cửa cao 6m, nặng tới 300 kg), đặt từ Mỹ chưa về. Vậy là chúng tôi phải cấp tốc bay sang Singapore, đặt một bộ bản lề khác, lắp tạm, chờ bản lề theo thiết kế, tốn kém thêm vài chục nghìn USD. Ở dự án này, bất cứ vấn đề nào nảy sinh đều phải có phương án xử lý tốt”, ông Tín kể.
Dành rất nhiều tâm sức cho dự án trọng điểm phục vụ APEC, xa hơn là góp phần phát triển “ngành công nghiệp không khói”, bà Nguyễn Thị Nga chỉ chia sẻ giản dị: “Bất cứ làm công việc gì tôi luôn coi mình như đang đi thi, mà đã đi thi phải đạt điểm thật tốt. Bởi vậy, tôi thường phải đọc lại tài liệu, chuẩn bị thật kỹ...
Các đồng sự của tôi cũng theo gương ấy để làm cho tốt. Với riêng công trình này, chúng tôi xác định được chung nhịp đập trái tim cùng APEC, đó là niềm tự hào, được cống hiến cho đất nước, cho Tổ quốc”.
Còn những người như ông Frank Bochmann, Tổng giám đốc Sheraton Đà Nẵng lại khâm phục và nói rằng, bí quyết để tổ hợp Sheraton Đà Nẵng về đích ngoạn mục chính là lòng yêu nước và tinh thần quyết tâm của các doanh nghiệp, công nhân Việt Nam, dưới ngọn lửa nhiệt huyết được bà Chủ tịch BRG thổi bùng lên mạnh mẽ.
Khi ngọn lửa ấy được thắp sáng trong mỗi người, họ sẽ có thêm năng lượng để công phá những giới hạn tưởng như không thể với tới và biến những điều không thể thành có thể.