T

ừ bỏ cơ hội được giữ lại giảng dạy tại trường đại học, cũng như công việc lương cao, ổn định, Dược sỹ Phan Văn Hiệu cùng bạn là Dược sỹ Nguyễn Trường Thành quyết định khởi nghiệp với số vốn ít ỏi sau hơn chục năm làm thuê, khó khăn chất chồng, nhưng chung một khát vọng cháy bỏng: đưa các sản phẩm dược thuần Việt lên bản đồ dược phẩm thế giới.

Có khuôn mặt hiền hậu, điềm đạm và nụ cười thường trực, Phan Văn Hiệu luôn tự nhận mình là một anh nông dân thực thụ, từ nguồn gốc sinh ra đến phong cách chân chất, thật thà.

Bạn anh, Nguyễn Trường Thành cũng coi mình là một tiều phu, bởi sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi Hoà Bình, cả tuổi thơ gắn bó với những lần đi rừng lấy củi.

“Tôi tâm niệm, hãy tiếp cận mọi thứ bằng sự chân thành của người nông dân, sẽ thu được kết quả tốt nhất” - kim chỉ nam ấy dẫn dắt Phan Văn Hiệu vượt qua mọi chông gai để có được ngày hôm nay.

Phan Văn Hiệu và Nguyễn Trường Thành là những sinh viên xuất sắc của Trường đại học Dược, được giữ lại trường, nhưng đều từ bỏ cơ hội vì muốn thử sức kinh doanh và “muốn làm gì đó để có thể trụ lại Hà Nội”.

Cả hai từng trải qua nhiều công việc, vị trí tương đồng, từ trình dược viên đến quản lý, giám đốc điều hành, quản lý phát triển hệ thống kinh doanh của một tập đoàn có tiếng…

Công việc có vị trí, thu nhập cao, ổn định, nhưng khao khát được làm gì đó của riêng mình luôn thôi thúc, Phan Văn Hiệu quyết định từ bỏ tất cả, cùng Nguyễn Trường Thành bước vào một con đường mới đầy chông gai - thành lập CTCP Dược mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) để khởi nghiệp kinh doanh, với định hướng hoàn toàn khác con đường cả 2 đã từng đi, đó là ứng dụng khoa học công nghệ nâng tầm giá trị thảo dược Việt.

CVI Pharma chọn lối đi tìm những đề tài khoa học có tính ứng dụng cao, hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano phát triển các sản phẩm từ dược liệu Việt và sản xuất ra thành phẩm.

Khó khăn nhất là việc biến ý tưởng thành sản phẩm, bởi phải trải qua rất nhiều giai đoạn.

Thời điểm đó, công nghệ nano là một điều gì đó rất mới mẻ. CVI Pharma là công ty dược tiên phong ứng dụng và hợp tác với Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công nano curcumin, một thành phần hoạt tính có giá trị sinh học cao chiết xuất từ củ nghệ.

Từ hợp chất này, CVI Pharma phát triển một loạt sản phẩm khác như sản phẩm làm đẹp, trị mụn, liền sẹo, lành da, viêm loét dạ dày, hỗ trợ điều trị ung thư, giảm độc tố điều trị hóa-xạ trị...

Thời gian đầu, Phan Văn Hiệu và cộng sự liên tiếp “đổ tiền” vào nghiên cứu, dò dẫm sàng lọc từng đề tài nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng, rồi sản xuất thử nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, sau gần một năm, khi sắp có sản phẩm thì hết tiền.

“Chuẩn bị ra mắt sản phẩm mà trong tài khoản Công ty chỉ còn vài trăm triệu đồng. Chúng tôi thực sự lo lắng, bởi nếu sản phẩm ra đời không được người dùng đón nhận, chúng tôi sẽ đối mặt với nguy cơ tay trắng và không có tiền để trả lương cho anh em”, Phan Văn Hiệu chia sẻ về khó khăn những ngày đầu khởi nghiệp.

Anh cho hay, bản thân việc hợp tác với các nhà khoa học đã là một rủi ro, bởi sản phẩm không phải lúc nào cũng khả thi. Hơn nữa, cơ chế hợp tác cũng chưa có tiêu chuẩn, chủ yếu dựa trên thiện chí của đôi bên, nếu 1 trong 2 không còn thiện chí thì sự hợp tác dễ đổ bể.

Ngoài ra, một rủi ro lớn khác là sản phẩm bị làm nhái, chất lượng kém, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín và gây thiệt hại cho Công ty.

“Chúng tôi thường phải mất 2 năm để nghiên cứu thành công 1 sản phẩm, nhưng trong thời gian đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đã có đơn vị làm sản phẩm giống y hệt và truyền thông đến người dùng. Khó khăn ấy có lúc khiến chúng tôi nhụt chí đầu tư”, Chủ tịch CVI Pharma giãi bày.

Với tâm thế sẵn sàng đối mặt với rủi ro, Phan Văn Hiệu tâm niệm: “Khi chọn con đường tạo ra các giá trị gia tăng cho sản phẩm phải làm thật tốt và bài bản, tạo nền tảng bền vững…”. Và may mắn đã mỉm cười với những chàng trai khao khát kết nối trí tuệ Việt để phát triển ngành dược.

Sản phẩm Curmagold chiết xuất từ củ nghệ vàng hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, giảm độc tính hoá-xạ trị sau điều trị ung thư ra đời đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khách hàng.

Chỉ trong 1 tuần, CVI Pharma bán hết sạch 4.000 hộp và phải chờ 1 tháng sau mới có thêm 10.000 hộp được sản xuất, song cũng chỉ đủ bán trong 2 tuần.

Riêng sản phẩm Curmagold đến nay đã đem về cho CVI Pharma gần 150 tỷ đồng doanh thu mỗi năm và là động lực mạnh mẽ để Phan Văn Hiệu và cộng sự tiếp tục nuôi hoài bão lớn.

Sản phẩm liên tục ở trong tình trạng “cháy” hàng, sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. Chỉ sau hơn 1 năm, CVI Pharma đã hoàn vốn đầu tư và bắt đầu có lãi.

Hiện tại, hệ thống phân phối của CVI Pharma đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hơn 160 cán bộ, nhân viên có trình độ, tay nghề cao.

CVI Pharma có gần 9.000 nhà thuốc là khách hàng thường xuyên, với danh mục 6 sản phẩm chủ lực và dự kiến đưa thêm 2 sản phẩm mới ra thị trường trong quý I/2018.Tốc độ tăng trưởng các sản phẩm cũ đạt khoảng 30-50%/năm và sản phẩm mới tăng trưởng từng ngày.

Nếu như năm 2013, thời điểm CVI Pharma thành lập với vỏn vẹn 3 tỷ đồng vốn và không có doanh thu, chỉ sau 3 năm, tức năm 2016, CVI Pharma ghi nhận mức doanh thu 150 tỷ đồng. Năm 2017, CVI Pharma đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu, đạt 300 tỷ đồng.

“Con số này nằm trong khả năng thực hiện của CVI Pharma, bởi đây năm đầu tiên đánh dấu tham vọng đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng trong 5 năm tới. Khi đó, chúng tôi tin sẽ góp mặt trong Top 10 công ty dược hàng đầu Việt Nam”, Chủ tịch CVI Pharma nhấn mạnh.

Năm 2017 có thể coi là năm bản lề của CVI Pharma, khi được Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam của Nhật Bản là Daiwa-SSI rót vốn đầu tư 20% cổ phần, giúp Công ty giải bài toán về nguồn lực.

Trước đây, CVI Pharma thường trong tình trạng khan hàng vì phụ thuộc vào các chuỗi liên kết, thì nay có thể tự xây dựng một chuỗi khép kín, kiểm soát từ nguồn gốc vùng trồng nguyên liệu, đến quá trình ra sản phẩm cuối cùng, từ đó giúp gia tăng lợi ích Công ty.

Không tiết lộ con số cụ thể, song Chủ tịch CVI Pharma cho biết, số tiền đầu tư có thể lên tới vài triệu USD, giúp Công ty có thêm vốn để xây dựng nhà máy dược sử dụng công nghệ cao tại Hòa Lạc (Hà Nội). Nhà máy có quy mô 1,1 ha, tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng.

Đây sẽ là nhà máy khép kín đầu tiên tại Việt Nam, có trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao các sản phẩm từ dược liệu, xưởng chiết xuất dược liệu định chuẩn, xưởng bào chế nguyên liệu công nghệ cao và nhà máy sản xuất thuốc thành phẩm đạt tiêu chuẩn GMP WHO…

Ngoài vấn đề nguồn lực, Daiwa-SSI cũng sẽ đồng hành với CVI Pharma trong hoạt động quản trị công ty, giúp CVI Pharma đi nhanh hơn, an toàn hơn, hướng tới mục tiêu đại chúng hóa. Chủ tịch CVI Pharma cho hay, trong 3-4 năm tới sẽ tiến hành IPO, sau đó niêm yết trên sàn chứng khoán.

“Mục tiêu của CVI Pharma là trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp dược niêm yết có giá trị cao nhất trên sàn chứng khoán”, Phan Văn Hiệu kỳ vọng.

Trả lời thắc mắc mục tiêu đó có là vọng tưởng, anh tự tin: “Xét thực tế tăng trưởng 15%/năm của ngành dược, giá trị vốn hóa của công ty dược đang đứng vị trí thứ 5 trên sàn chứng khoán vào khoảng 1.000 tỷ đồng, một khi CVI đạt mức doanh thu 1.000 tỷ đồng như hoạch định, chúng tôi hoàn toàn có thể lọt Top 10”.

Đau đáu với câu chuyện tận dụng trí tuệ Việt để phát triển ngành dược thôi thúc Phan Văn Hiệu khởi nghiệp, đồng thời lấy tên Công ty là CVI - viết tắt của cụm từ “kết nối trí tuệ Việt”.

Anh cho rằng, ngành dược Việt Nam đang ở vũng trũng của thế giới xét về năng lực, công nghệ; công nghiệp dược phẩm thường đi sau, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu về bào chế, trong khi đang lãng phí lượng lớn nguồn cây dược liệu, các bài thuốc quý từ dược liệu, cũng như những công trình khoa học nghiên cứu về các loại cây này.

“Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia…, họ đều chọn cây dược liệu thế mạnh để tập trung phát triển. Chúng ta có thế mạnh của rất nhiều cây dược liệu như nghệ, gừng, gấc…, và hoàn toàn có thể phát triển thành cường quốc xuất khẩu dược liệu nếu đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao để cho ra nhiều sản phẩm tốt.

Có như thế chúng ta mới có tên trên bản đồ dược thế giới”, Phan Văn Hiệu nhấn mạnh. Anh chia sẻ, CVI Pharma đang đi theo hướng này để hướng tới thị trường xuất khẩu, trước mắt tập trung vào các sản phẩm chiết xuất từ cây nghệ, sắp tới đây là cây gừng và cây gấc.

Anh cho biết, năm 2018, khi nhà máy dược công nghệ cao đi vào hoạt động sẽ chuẩn hóa các hàng rào kỹ thuật, đáp ứng thị trường mục tiêu.

Trong năm nay, CVI Pharma tiếp tục phối hợp với các trung tâm, viện nghiên cứu, cũng như các nhà khoa học đầu ngành để nghiên cứu áp dụng bộ tiêu chuẩn sản phẩm của CVI Pharma theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đưa các sản phẩm của Công ty vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

-->