Trắng trẻo, nhẹ nhàng, Tổng giám đốc An Thái Group Nguyễn Xuân Lợi cho người đối diện cảm giác anh trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 47.
Câu chuyện với anh khởi đầu từ nhân duyên đến với nghiệp kinh doanh cà phê. Anh kể, năm 1990, sau khi tốt nghiệp ngành tài chính kế toán, anh cùng 3 anh em trai rời miền quê Nghi Lộc, Nghệ An khăn gói vào Tây Nguyên lập nghiệp.
Chân ướt chân ráo vào vùng đất mới, bốn chàng trai xứ Nghệ bắt đầu kiếm sống bằng việc kinh doanh, phân phối hàng tiêu dùng và nước giải khát.
Nhưng thị trường Tây Nguyên thời điểm này còn khó khăn, nhu cầu tiêu thụ của người dân chưa cao, nên khó phát triển.
Vùng đất Tây Nguyên đặc biệt thích hợp với cây cà phê, trong đó Đắk Lắk được xem là thủ phủ của loại cây này và anh Lợi cùng ba người anh em đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn từ hạt cà phê.
Vậy là năm 1992, bốn anh em rủ nhau thành lập Công ty cổ phần An Thái (Đắk Lắk), chuyên kinh doanh cà phê nhân.
Vốn ít, lại phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp đi trước, công việc kinh doanh của bốn anh em buổi đầu gặp không ít khó khăn.
Nhưng rồi với quyết tâm, sự bền bỉ, dần dần các anh cũng tạo dựng được chỗ đứng cho An Thái trong lĩnh vực cà phê nhân.
Những tưởng hoạt động kinh doanh cà phê nhân cứ thế mở mang ra mãi, nhưng đến năm 2000, An Thái gặp sóng gió lớn khi khủng hoảng giá cà phê xảy ra.
Giai đoạn này, giá cà phê hạt tươi đã rớt một mạch từ 30.000 - 40.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg, thậm chí dưới 4.000 đồng/kg.
Người trồng điêu đứng, doanh nghiệp thu mua chế biến hạt cà phê cũng điêu đứng. Bởi đã làm cà phê, các doanh nghiệp đều phải dự trữ lượng hàng lớn.
Thời điểm này, An Thái Group có lượng hàng tồn kho khoảng hơn 2.000 tấn giá cao. Tưởng chừng An Thái Group gục ngã trước “trận bão” này, khi hàng trăm doanh nghiệp cùng kinh doanh cà phê nhân thua lỗ nặng nề đã phải giải thể, từ bỏ cuộc chơi.
Nhưng không, Nguyễn Xuân Lợi và các anh em đã quyết định bẻ lái sang một hướng khác và thành công với hướng đi này.
Nhận ra kinh doanh cà phê nhân tiềm ẩn rủi ro lớn khi giá cả biến động liên tục, các doanh nghiệp Việt không đủ lực để chi phối mà trôi nổi theo thị trường, An Thái đã chuyển sang nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê thành phẩm.
“Với kế hoạch này, mình có chiến lược dài hạn hơn. Tức là giá cả có biến động thì đầu ra sản phẩm sẽ biến động theo, đồng thời doanh nghiệp có thể có lộ trình và xây dựng thương hiệu riêng cho mình mà cà phê nhân không làm được. Ngoài ra, chúng tôi có thể củng cố và đưa ra những tiêu chí chất lượng theo tiêu chuẩn của mình và doanh nghiệp có thể đưa ra những tầm nhìn hay có kế hoạch dài hạn hơn và ít nhiều định vị được con đường đi trong tương lai như thế nào”, anh Lợi chia sẻ.
An Thái hiện có quy mô 5 công ty thành viên, trong đó có 2 nhà máy sản xuất cà phê bột và cà phê hòa tan và 1 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ nguồn phế liệu trong quá trình sản xuất cà phê tại thủ phủ cà phê Đắk Lắk.
Mỗi năm, An Thái cho ra lò tới 16.000 tấn sản phẩm cà phê bột và hạt rang; cà phê sữa 3 trong 1 là 8.000 tấn; sản lượng cà phê hòa tan đạt gần 4.000 tấn và cung cấp cho thị trường hơn 2.000 tấn cà phê chiết xuất. Công ty cũng có chuỗi quán cà phê mang thương hiệu An Thái.
Đó là không gian để những người ghiền cà phê chứng kiến quá trình pha chế thứ thức uống đặc biệt này, mà như chia sẻ của CEO An Thái, để khách hàng hiểu rõ hơn về văn hóa thưởng thức cà phê, văn hóa của An Thái cũng như hương vị chuẩn của cà phê Buôn Ma Thuột.
Nhân câu chuyện về hương vị cà phê Buôn Ma Thuột, anh Lợi tâm sự, Việt Nam đã xác lập vị trí nhất nhì về sản lượng xuất khẩu cà phê trên thế giới, nhưng về danh tiếng thì vẫn thua một số nước.
Điều này cũng xuất phát từ thực tế cách làm thương hiệu của chúng ta mang nhiều yếu tố tự phát, mạnh ai nấy làm và cách kiểm soát chất lượng chưa tốt.
Hiện An Thái đang là một trong những thành viên tích cực của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Cùng với các thành viên khác, An Thái đang đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, đăng ký chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm và nhãn hiệu này đã được sự bảo hộ tại nhiều thị trường xuất khẩu của các thành viên Hiệp hội.
Để được in thương hiệu Buôn Ma Thuột Coffee trên sản phẩm, trước hết mỗi công ty phải là hội viên của Hiệp hội và sản phẩm của họ phải được đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, quy định của Hiệp hội. Sản phẩm phải đảm bảo 100% cà phê, trong đó có ít nhất 70% nguyên liệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Anh Lợi tâm sự, doanh nghiệp Việt Nam hầu hết đều có quy mô vừa và nhỏ, nên cần phải liên kết lại giống như nhiều tấm ván kết thành cái bè lớn mới mong tiến ra biển lớn.
Điều đáng mừng là các thành viên của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đều ý thức được rằng nếu hoạt động đơn lẻ sẽ không thể cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn và kinh nghiệm quản trị, nên đã có sự chung tay xây dựng thương hiệu, hỗ trợ nhau trong kinh doanh.
“Buôn có bạn, bán có phường”, triết lý đó của người xưa anh rất tâm đắc.
Mê đắm hương vị cà phê, Nguyễn Xuân Lợi và những người anh em luôn đau đáu với việc làm thế nào để nâng tầm giá trị hạt cà phê Buôn Ma Thuột. Những hạt cà phê được An Thái đưa vào chế biến được qua tuyển lựa kỹ càng, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Những năm gần đây, tình trạng cà phê giả, cà phê kém chất lượng, cà phê thì ít mà trộn bột đậu nành, hạt bắp thì nhiều, rồi cà phê tẩm ướp hóa chất độc hại khiến nhiều người tiêu dùng e ngại với thứ đồ uống này và ít nhiều ảnh hưởng tới hình ảnh cà phê Việt.
Trước thực trạng đó, anh Lợi tâm sự, An Thái luôn nỗ lực để đưa ra những sản phẩm cà phê sạch, cà phê an toàn. “Có trách nhiệm với người tiêu dùng, với xã hội thì doanh nghiệp sẽ được người tiêu dùng, được xã hội công nhận”, anh nhỏ nhẹ.
An Thái cũng đầu tư mạnh cho Trung tâm Nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm, để tạo ra những sản phẩm phù hợp với khẩu vị của từng thị trường.
Đến nay, sản phẩm của An Thái không chỉ được nhiều người tiêu dùng trong nước biết tới mà còn được xuất khẩu tới trên 30 nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Mỹ, Nga, các nước châu Âu…
Cùng nhau đưa An Thái Group gặt hái nhiều thành công, bốn anh em nhà Nguyễn Xuân Lợi đang phân công nhau đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại Công ty và đơn vị thành viên.
Với tham vọng đưa An Thái trở thành tập đoàn lớn về chế biến cà phê, có thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu, CEO Nguyễn Xuân Lợi cho biết, Công ty đang để mở khả năng tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.
Và An Thái sẵn sàng chào đón những nhân sự giỏi, có đam mê với lĩnh vực sản xuất – kinh doanh cà phê tham gia quản trị công ty.